Bài 36. Địa lí ngành thương mại - CTST
Bài 36. Địa lí ngành thương mại - CTST
Môn học: Địa lí
Khối lớp: 10
Danh mục: Địa lí 10-11-12

 

Bài 36. ĐỊA LÍ NGÀNH THƯƠNG MẠI

I. TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Hoạt động thương mại là

     A. quá trình xây dựng cơ sở vật chất các trung tâm thương mại, hệ thống đường giao thông.

     B. quá trình trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa người bán và người mua.

     C. quá trình đi lại của người dân từ nơi này đến nơi khác.

     D. quá trình sản xuất một khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp.

Câu 2. Thị trường hoạt động theo quy luật

     A. số lượng sản phẩm.                                  B. nguồn gốc sản phẩm.

     C. chất lượng sản phẩm.                               D. cung và cầu.

Câu 3. Gọi là xuất siêu nếu

     A. trị giá nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu và cán cân thương mại âm.

     B. trị giá xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu.

     C. trị giá xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu.

     D. cán cân thương mại âm.

Câu 4. Gọi là nhập siêu nếu

     A. trị giá xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu và cán cân thương mại dương.

     B. trị giá xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu.

     C. trị giá nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu.

     D. cán cân thương mại dương.

Câu 5. Yếu tố thúc đẩy hoạt động giao thương trên thế giới không ngừng tăng lên là

     A. tiến bộ khoa học – kĩ thuật và công nghệ trong sản xuất.

     B. trình độ người lao động không ngừng được nâng cao.

     C. sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp mới.

     D. xu hướng toàn cầu hóa kinh tế.

    

     Cho bảng số liệu:

Trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới, giai đoạn 2010 – 2020

(Đơn vị: tỉ USD)

Năm

2010

2014

2018

2020

Trị giá xuất khẩu

19047

23880

25208

22435

Trị giá nhập khẩu

18500

23260

24609

21704

                                                 (Nguồn: trang 136 phần luyện tập SGK Địa lí 10 – Chân trời sáng tạo)

     Căn cứ vào bảng số liệu trên, trả lời các câu hỏi sau:

Câu 6. Để thể hiện tốc độ tăng trưởng trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới qua các năm trong giai đoạn 2010 – 2020, biểu đồ nào sau đây thích hợp nhất?

     A. Biểu đồ tròn.                                           B. Biểu đồ miền.

     C. Biểu đồ cột.                                             D. Biểu đồ đường.

Câu 7. Để thể hiện cơ cấu trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới qua các năm trong giai đoạn 2010 – 2020, biểu đồ nào sau đây thích hợp nhất?

     A. Biểu đồ miền.                                          B. Biểu đồ cột.

     C. Biểu đồ đường.                                        D. Biểu đồ kết hợp.

Câu 8. Để thể hiện trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới qua các năm trong giai đoạn 2010 – 2020, biểu đồ nào sau đây thích hợp nhất?

     A. Biểu đồ kết hợp.                                      B. Biểu đồ đường.

     C. Biểu đồ cột.                                             D. Biểu đồ miền.

Câu 9. Tốc độ tăng trưởng trị giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới năm 2020 (lấy năm 2010 = 100%) là

     A. 117,3%.                                                   B. 117,6%.

     C. 117,8%.                                                   D. 117,2%.

Câu 10. So với năm 2010, trị giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới năm 2020 tăng gấp gần

     A. 0,6 lần.                                                    B. 1,2 lần.

     C. 1,4 lần.                                                    D. 1,6 lần.

II. TỰ LUẬN

Câu 1. Trình bày vai trò và đặc điểm của ngành thương mại.

     Gợi ý:

     * Vai trò của ngành thương mại:

      - Ngành thương mại bao gồm nội thương và ngoại thương. Hoạt động thương mại diễn ra trong phạm vi quốc gia gọi là nội thương, giữa các quốc gia với nhau gọi là ngoại thương.

     - Hoạt động nội thương tạo ra thị trường thống nhất trong nước và thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ giữa các vùng; đồng thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân trong xã hội.

     - Hoạt động ngoại thương góp phần gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới; tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

     - Hoạt động thương mại là khâu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, giúp cho sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ được mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường.

     - Góp phần sử dụng hợp lí các nguồn lực, thúc đẩy phân công lao động xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế.

     * Đặc điểm của ngành thương mại

     - Hoạt động thương mại là quá trình trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa người bán và người mua, đồng thời tạo ra thị trường. Thị trường hoạt động theo quy luật cung và cầu. Sự biến động của thị trường dẫn đến sự biến động về giá cả.

     - Hoạt động ngoại thương được đo bằng cán cân xuất nhập khẩu. Nếu trị giá xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu gọi là xuất siêu; nếu trị giá nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu gọi là nhập siêu.

     - Hoạt động thương mại rất đa dạng, hình thức trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ phong phú và ngày càng phát triển. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ thị trường điện tử ngày càng phổ biến trong giao dịch toàn cầu.

Câu 2. Trình bày các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của ngành thương mại.

     Gợi ý:

     Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố ngành thương mại như:

     - Vị trí địa lí tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho hoạt động thương mại. Tại những nơi có vị trí thuận lợi sẽ hình thành đầu mối thương mại, thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại phát triển.

     - Trình độ phát triển kinh tế và năng suất lao động xã hội sẽ ảnh hưởng tới quy mô, cơ cấu ngành thương mại cũng như đầu tư và bổ sung lao động cho ngành thương mại.

     - Quy mô dân số, nguồn lao động, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, phong tục tập quán, mức sống,… ảnh hưởng tới sức mua, nhu cầu của người dân, phát triển mạng lưới và loại hình thương mại.

     - Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy đầu tư quốc tế, phát triể ngành ngoại thương và hình thành các tổ chức thương mại quốc tế.

     - Tiến bộ khoa học – công nghệ ảnh hưởng tới cách thức trao đổi, mua bán và phát triển đa dạng loại hình thương mại.

     Ngoài ra, các nhân tố khác như vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật, điều kiện tự nhiên,… cũng ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành thương mại.

Câu 3. Trình bày tình hình phát triển và phân bố ngành nội thương trên thế giới.

     Gợi ý:

     - Nhìn chung, hoạt động nội thương ở các quốc gia trên thế giới ngày càng phát triển mạnh; hàng hóa và dịch vụ trên thị trường ngày càng phong phú và đa dạng.

     - Tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và hoàn cảnh xã hội mà hoạt động nội thương có sự khác nhau giữa các nước trên thế giới.

     + Hoạt động nội thương diễn ra sôi động ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ được trao đổi, mua bán dưới nhiều hình thức khác nhau.

     + Ở các quốc gia kém phát triển hoặc bất ổn chính trị hoạt động nội thương bị hạn chế.

Câu 4. Trình bày tình hình phát triển và phân bố ngành ngoại thương trên thế giới.

     Gợi ý:

     - Xu hướng toàn cầu hóa kinh tế thúc đẩy hoạt động giao thương trên thế giới không ngừng tăng lên. Năm 2020, tổng GDP toàn thế giới là 84578 tỉ USD thì trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên thị trường thế giới là 44139 tỉ USD (chiếm 52,2%).

     - Hiện nay trên thế giới có nhiều tổ chức và liên kết thương mại đã ra đời như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức kinh tế khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định thương mại Hoa Kỳ - Mê-hi-cô – Ca-na-đa, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC),… Các tổ chức này đã góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa kinh tế và phát triển trên thế giới.

     - Một số mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu trên thế giới là dầu thô, linh kiện điện tử, ô tô, lương thực và dược phẩm. Các khu vực có đóng góp lớn vào hoạt động thương mại thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Các quốc gia đứng đầu thế giới về hoạt động thương mại toàn cầu là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Hàn Quốc,…

Câu 5. Dựa vào bảng số liệu dưới đây, em hãy tính cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới, giai đoạn 2010 – 2020.

Trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới, giai đoạn 2010 – 2020

(Đơn vị: tỉ USD)

Năm

2010

2012

2014

2016

2018

2020

Trị giá nhập khẩu

18500

22160

23260

20347

24609

21704

Trị giá xuất khẩu

19047

22895

23880

20892

25208

22435

                                                 (Nguồn: trang 136 phần luyện tập SGK Địa lí 10 – Chân trời sáng tạo)

     Gợi ý:

     - Để tính cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới, ta lấy trị giá xuất khẩu – trị giá nhập khẩu.

     - Kết quả:

Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới, giai đoạn 2010 – 2020

(Đơn vị: tỉ USD)

Năm

2010

2012

2014

2016

2018

2020

Cán cân xuất nhập khẩu

547

735

620

545

599

731

 

Câu 6. Em hãy cho biết hoạt động nội thương có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương em.

     Gợi ý:

     - Hoạt động của ngành nội thương làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

     - Sự phát triển của ngành nội thương góp phần đẩy mạnh chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động ở địa phương.

     - Thương nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của từng cá nhân ở địa phương.

     - Thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

     - Tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Câu 7. Cho bảng số liệu sau:

Trị giá xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của các châu lục năm 2019*

(Đơn vị: tỉ USD)

Châu lục

Trị giá xuất khẩu

Trị giá nhập khẩu

Châu Âu

7541,1

7316,7

Châu Mỹ

3148,0

4114,6

Châu Á

6252,3

6053,5

Châu Phi

462,2

569,1

Châu Đại Dương

(Ô-xtrây-li-a và Niu Di-len)

311,1

263,8

Tổng

17714,7

18317,7

* Chỉ tính các nước WTO

(Nguồn: trang 115 SGK Cánh Diều)

     a) Hãy vẽ biểu đồ tròn thể hiện tỉ trọng trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hóa của các châu lục so với tổng trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu của WTO năm 2019.

     b) Nhận xét về cơ cấu trị giá xuất khẩu, nhập khẩu theo châu lục trên thế giới.

     Gợi ý:

     a) Vẽ biểu đồ

     - Tính tỉ trọng:

Tỉ trọng trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hóa của các châu lục so với tổng trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu của WTO năm 2019

(Đơn vị: %)

Châu lục

Trị giá xuất khẩu

Trị giá nhập khẩu

Châu Âu

42,6

39,9

Châu Mỹ

17,8

22,5

Châu Á

35,3

33,0

Châu Phi

2,6

3,1

Châu Đại Dương

(Ô-xtrây-li-a và Niu Di-len)

1,8

1,4

Tổng

100,0

100,0

    

     - Tính bán kính hình tròn (rxk, rnk):

 

 

     b) Nhận xét

     - Tỉ trọng trị giá xuất khẩu và tỉ trọng trị giá nhập khẩu có sự khác nhau giữa các châu lục.

     - Trong cơ cấu tỉ trọng trị giá xuất khẩu theo châu lục trên thế giới: chiếm tỉ trọng cao nhất là châu Âu (42,6%), tiếp đến là châu Á (35,3%), sau đó là châu Mỹ (17,8%), châu Phi (2,6%) và có tỉ trọng thấp nhất là châu Đại Dương (1,8%).

     - Trong cơ cấu tỉ trọng trị giá nhập khẩu theo châu lục trên thế giới: chiếm tỉ trọng cao nhất là châu Âu (39,9%), tiếp đến là châu Á (33,0%), sau đó là châu Mỹ (22,5%), châu Phi (3,1%) và có tỉ trọng thấp nhất là châu Đại Dương (1,4%).

     - Châu Âu có tỉ trọng trị giá xuất khẩu và tỉ trọng trị giá nhập khẩu cao nhất; còn châu Đại Dương có tỉ trọng trị giá xuất khẩu và tỉ trọng trị giá nhập khẩu thấp nhất.

 

Câu 8. Cho bảng số liệu:

Trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới, giai đoạn 2010 – 2020

(Đơn vị: tỉ USD)

Năm

2010

2014

2018

2020

Trị giá xuất khẩu

19047

23880

25208

22435

Trị giá nhập khẩu

18500

23260

24609

21704

                                                (Nguồn: trang 136 phần luyện tập SGK Địa lí 10 – Chân trời sáng tạo)

     a) Vẽ biểu đồ cột thể hiện trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới qua các năm trong giai đoạn 2010 – 2020.

     b) Từ biểu đồ đã vẽ, rút ra nhận xét cần thiết.

     Gợi ý:

     a) Vẽ biểu đồ

     b) Nhận xét

     - Từ năm 2010 đến năm 2018, trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới tăng (dẫn chứng); từ năm 2018 đến năm 2020, trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới giảm (dẫn chứng). Nhưng nhìn chung, so với năm 2010, trị giá xuất khẩu và trị giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn thế giới tăng (dẫn chứng).

     - Trị giá xuất khẩu luôn lớn hơn trị giá nhập khẩu qua các năm nên cán cân xuất nhập khẩu luôn dương (dẫn chứng).

     - Trị giá xuất khẩu tăng nhanh hơn trị giá nhập khẩu trong giai đoạn 2010 – 2020.

 

 

 

 

 

Xếp hạng và đánh giá
noData
Chưa có đánh giá
Học liệu cùng khối
Học liệu cùng loại
  • Thư viện
  • Bài 36. Địa lí ngành thương mại - CTST