Bài 13: VIỆT NAM VÀ BIỂN ĐÔNG (tiết 3)
Bài 13: VIỆT NAM VÀ BIỂN ĐÔNG (tiết 3)
Môn học: Lịch sử
Khối lớp: 11
Danh mục: Sở GD&ĐT Bến Tre

Bài 13: VIỆT NAM VÀ BIỂN ĐÔNG (TIẾT 3)

3. Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình

a. Những văn bản pháp luật khẳng định chủ quyền

- Năm 1977: Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Năm 1982: Tuyên bố xác định đường cơ sở thẳng ven bờ lục địa Việt Nam (gồm 10 đoạn nối 11 điểm).

- Năm 2003: Luật Biên giới quốc gia khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Năm 2013: Luật Biển Việt Nam có hiệu lực.

- Năm 2018: Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

- Tháng 10 - 2018: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

b. Tham gia Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS)

- Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (gọi tắt là UNCLOS 1982) kí ngày 10-12-1982 tại vịnh Mon-ti-gâu, Gia-mai-ca có hiệu lực từ ngày 16-11-1994 là một văn bản pháp lí đa phương đồ sộ, bao gồn 320 Điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật.

- Việt Nam là một trong 107 nước kí và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn. Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS.

- Theo Công ước, các quốc gia ven biển (kể cả các quốc gia quần đảo) có 5 vùng biển như sau: vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa (kể cả thềm lục địa kéo dài).

- Tùy theo đặc điểm và cấu tạo địa lí mà quốc gia ven biển có đầy đủ 5 vùng biển. Việt Nam là quốc gia ven biển có đặc điểm địa lí phù hợp cho việc yêu sách  cả 5 vùng biển nêu trên.

c. Ban hành luật Biển Việt Nam năm 2012

- Luật Biển Việt Nam được xây dựng bắt đầu từ năm 1998. Ngày 21-6-2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua luật Biển VN, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

- Luật Biển VN gồm 7 chương, 55 điều.

- Ban hành Luật Biển VN là hoạt động lập pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lí của Việt Nam về biển, đảo; lần đầu tiên VN có văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lí của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của VN theo đúng UNCLOS; tạo cơ sở pháp lí quan trọng để VN thực hiện quản lí, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của mình.

* Nêu ý nghĩa của việc ra đời Luật Biển Việt Nam.

Việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lí liên quan đến biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lí các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lí quan trọng trong việc quản lí, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.

Kết hợp hài hoà các quy định luật pháp quốc gia với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, chuyển một thông điệp quan trọng tới quốc tế: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982, thể hiện quyết tâm của nước ta phấn đấu vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

d. Thúc đẩy và thực hiện đầy đủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

- Ngày 4-11-2002 tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), 10 nước ASEAN và Trung Quốc kí Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông, tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này một cách hòa bình và lâu dài.

- Việt Nam tích cực tham gia soạn thảo và thương lượng nội dung các quy định trong DOC, tuân thủ các cam kết trong DOC, đồng thời yêu cầu các nước liên quan thực hiện đúng các cam kết trong văn kiện.

Xếp hạng và đánh giá
noData
Chưa có đánh giá
Học liệu cùng khối
Học liệu cùng loại
  • Thư viện
  • Bài 13: VIỆT NAM VÀ BIỂN ĐÔNG (tiết 3)